Categories
Cách làm cơm rượu Công dụng cơm rượu

Cách làm cơm rượu nếp cẩm thơm ngon đúng điệu lại rất tốt cho sức khỏe

Cách làm cơm rượu nếp cẩm sao cho thơm ngon đang là đề tài được nhiều chị em quan tâm, bởi gạo nếp cẩm được các chuyên gia đánh giá là chứa nhiều chất dinh dưỡng cũng như cực tốt cho dạ dày. Đặc biệt, cơm rượu nếp cẩm có tác dụng kích thích hệ tiêu hóa, giúp ăn ngon miệng và có một cơ thể khỏe mạnh hơn. Cách làm cơm rượu nếp cẩm khá đơn giản và qua chi tiết dưới đây bạn có thể tự làm tại nhà. Hãy lưu lại ngay công thức thực hiện để chiêu đãi cả gia đình cùng thưởng thức bạn nhé.

Cách làm cơm rượu nếp cẩm thơm ngon đúng điệu lại rất tốt cho sức khỏe
Cách làm cơm rượu nếp cẩm thơm ngon đúng điệu lại rất tốt cho sức khỏe

Cơm rượu nếp cẩm có công dụng gì

Như đề cập ngay từ đầu bài viết, cơm rượu nếp cẩm tốt cho sức khỏe. Các nghiên cứu khoa học gần đây đã chỉ ra rằng, cơm rượu nếp cẩm có rất nhiều công dụng và lợi ích cụ thể như:

Chất dinh dưỡng bổ máu

Bộ ba chất dinh dưỡng carbonhydrate, protein và chất béo không chỉ có trong hạt gạo mà còn ở cả bên ngoài vỏ nếp cẩm. Ngoài chất béo, trong hạt gạo nếp cẩm có nhiều chất khoáng vi lượng selenium có giá trị dinh dưỡng cao đối với cơ thể, cùng với lớp vỏ lụa và lớp cám bên ngoài chứa muối khoáng và vitamin hữu ích cho cơ thể.

Nghiên cứu gần đây nhất cũng cho thấy, cơm rượu nếp cẩm có công dụng làm hạ nồng độ cholesterol trong máu. Trong một nghiên cứu dài 24 tuần, một nhóm bệnh nhân được sử dụng cơm gạo nếp có lượng cholesterol xấu và lượng cholesterol tổng trong máu giảm đi đáng kể. Đây được xem là bài thuốc “nằm lòng” cho những ai đang mắc chứng bệnh mỡ trong máu.

Phòng ngừa bệnh tim mạch

Cơm rượu nếp cẩm có chứa 2 chất chính là lovastatine và ergosterol có khả năng tái tạo hệ thống mạch máu. Cơm rượu nếp cẩm có tác dụng tốt trong việc phòng ngừa tai biến mạch máu não, bệnh tim, đột quỵ và cao huyết áp. Bệnh nhân bị tai biến mạch máu não có thể sử dụng cơm rượu nếp cẩm để hỗ trợ phục hồi sức khỏe sau phẫu thuật.

Kích thích hệ tiêu hóa

Rượu nếp cẩm từ lâu được xem là bài thuốc hữu hiệu cho những ai đang có vấn đề về đường tiêu hóa, tiêu hóa kém, chán ăn, ăn không ngon, hay muốn giảm cân. Mỗi ngày, bạn chỉ cần dùng 1 chén nhỏ cơm rượu nếp cẩm từ 50 – 60 ml trước bữa ăn, và chỉ sau một tuần thì cảm giác ngon miệng sẽ nhanh chóng quay trở lại.

Góp phần Phòng chống ung thư

Theo nghiên cứu từ Đại học Bang Louisiana của Mĩ, trong gạo nếp cẩm có chứa thành phần anthocyanin cao, một chất chống oxy hóa có tác dụng bảo vệ thành mạch và ngăn cản phá hủy cấu trúc AND, từ đó phòng chống được bệnh ung thư hiệu quả.

Thuốc bổ cho bà bầu, phụ nữ mới sinh

Với phụ nữ đang mang thai, rượu nếp cẩm có tác dụng ích khí, bổ huyết, kiện tỳ vị, bổ gan, ngưng ho, đờm. Cũng như nhiều loại nếp khác, bộ 3 nhóm chất béo cùng với vitamin, canxi, photpho, kali, magie, kẽm… sẽ giúp cho dạ dày bạn hoạt động tốt hơn, đồng thời chống suy nhược sau sinh và góp phần làm tăng lượng sữa cho con bú…

Gạo nếp cẩm trội hơn những loại nếp cẩm khác chính là ở hàm lượng vitamin C, anthocyanin, carotene và chất diệp lục rất dồi dào, cần thiết cho các mẹ. Ngoài ăn, uống rượu nếp cẩm ra, nó còn được dùng để làm đẹp da, da bạn sẽ được phục hồi và tăng độ ẩm nếu mỗi ngày bạn dành ra 15 phút để đắp mặt nạ rượu nếp cẩm.

Cách làm cơm rượu nếp cẩm chuẩn theo công thức truyền thống

Rượu nếp cẩm, hay cơm rượu nếp cẩm được xem là món ăn truyền thống có từ lâu đời, cách làm cũng khá đơn giản, hoàn toàn có thể tự làm ở nhà. Tuy nhiên, để quá trình lên men cơm rượu không phát sinh độc tố, các bạn nên hết sức lưu ý trong khâu chọn nguyên liệu gạo và bánh men rượu.

Chọn nguyên liệu

Chọn nguyên liệu là bước đầu tiên và cũng là bước cực kỳ quan trọng, quyết định sự thành bại của món cơm rượu nếp. Bạn cần chuẩn bị:

  • Gạo nếp cẩm: 250gam, lưu ý chọn gạo mới, không bị sâu mọt, nhiều tấm, hạt gạo phải thật đẫy, đều đẹp.
  • Men ngọt: bạn chọn men rượu thuốc bắc truyền thống chuẩn, nếu không, quá trình lên men cơm rượu sẽ đồng thời tạo ra nhiều độc tố (andehit,metanol, fucfurol..) gây nguy hại cho sức khỏe. Bạn có thể dựa vào hướng dẫn của nhà sản xuất men, để dùng liều lượng cho phù hợp với lượng gạo của mình nhé.
  • Dụng cụ đi kèm: Bao gồm hũ thủy tinh, lá sen, hoặc lá ráy, lá chuối hoặc giấy bạc đều được.

Làm cơm rượu nếp cẩm

Bước 1: Bạn ngâm gạo nếp cẩm tầm 9 – 12 tiếng để khi nấu hạt gạo sẽ được mềm hơn.

Bước 2: Vo sạch gạo, loại bỏ sạn thóc,… rồi nấu như nấu cơm nếp bình thường.

Bước 3: Khi cơm đã chín, rải đều cơm ra mâm rồi chờ cho cơm nguội bớt, khi cơm còn âm ấm sẽ rắc men.

Bước 4: Chuẩn bị men.

Khi chọn men làm cơm rượu nếp, bạn tuyệt đối không sử dụng men tàu vì khi ăn (uống) sẽ dẫn đến tình trạng nhức đầu, ngộ độc, tiêu chảy… chúng ta chọn mua loại men gạo được làm thủ công từ bột gạo cộng với nhiều vị thuốc bắc (Men dạng cục màu trắng tròn to bằng miệng cốc, hơi phồng lên như chiếc bánh giày).

Liều lượng men: Thường là 1kg gạo nếp thường hoặc nếp cẩm sẽ cần 50g men ngọt. Bạn có thể kiểm tra thêm hướng dẫn lượng sử dụng men của thương hiệu men ngọt mà bạn chọn nhé.

Bánh men thuốc bắc bạn bóc sạch lớp trấu bên ngoài để lấy phần men trắng bên trong, rồi cho vào cối giã hoặc xay nhuyễn thành bột mịn.

Bước 5: Rắc men.

Các bạn lưu ý trước khi rắc men phải kiểm tra cơm còn nóng hay không, nếu rắc men khi cơm còn nóng sẽ làm men bị chết, còn nếu rắc khi cơm quá nguội thì men cũng sẽ làm hỏng cơm. Nên tốt nhất là chỉ rắc men khi nào thấy cơm còn âm ấm tay.

Các bạn chia men thành 2 phần, một phần rắc đều mặt trước để đảm bảo men phủ kín bề mặt cơm, sau đó lật mặt dưới lên rắc nốt phần men còn lại. Do cơm nếp có độ dính cao, nên nếu các bạn trộn một lần thì men chắc chắn sẽ không đều bằng cách vừa được nêu ở trên.

Bước 6: Ủ cơm, lên men.

Sau khi rắc men xong, các bạn cho cơm vào chum, vào hũ bằng đất nung hay hũ thủy tinh để ủ cơm, nhưng chỉ cho đầy khoảng 2/3 dung tích hũ, đậy kín. Sau 3 – 4 ngày, hũ cơm rượu sẽ tự tiết ra nước và dậy mùi thơm của rượu.

Các bạn lưu ý khi ủ cơm vào mùa đông, thời tiết lạnh, thì phải đảm bảo giữ ấm cho hũ cơm, thời tiết càng nóng thì cơm rượu càng mau được. Ở vùng cao, nhiệt độ thường rất thấp, nên người ta hay đặt hũ cơm rượu gần bếp lò để ủ nóng. Cơm rượu sẽ đạt đến nồng độ rượu cao nhất trong một ngày nhất định vào khoảng ngày thứ năm hoặc thứ sáu, tùy vào chất lượng men.

Cách sử dụng cơm rượu nếp cẩm

Muốn dùng ăn cơm rượu tự tay ủ thì chỉ cần chờ vào ngày thứ 3 để ý thấy bề mặt hạt gạo bóng, ướt, dậy mùi là bạn có thể đem ra thưởng thức. Muốn sử dụng nhiều lần, mà vẫn giữ nguyên vị ngon như ban đầu tức cơm không tiếp tục lên men, bạn chỉ cần cho cơm rượu vào tủ lạnh là được.

Nếu muốn thay đổi khẩu vị hoặc kích thích vị giác, bạn có thể trộn cơm rượu nếp cẩm với sữa chua để làm thành món sữa chua nếp cẩm. Từng hạt nếp to tròn bóng mịn vẫn còn vương mùi rượu, hòa quyện cùng vị chua chua ngọt ngọt của sữa chua đã làm cho món sữa chua nếp cẩm trở thành một trong những món ăn được rất nhiều người yêu thích hiện nay.

Bạn cũng có thể lấy nước rượu từ men cơm tiết ra để uống. Rượu uống có vị ngọt, cay nồng rất đặc trưng và mùi thơm của nếp cẩm đặc biệt tan dần ấn tượng trong khoang miệng lẫn cổ họng, sẽ khiến bạn nhớ mãi không quên.

Cách làm cơm rượu nếp cẩm trên đây quả thật là rất đơn giản, không chút cầu kỳ, ai ai cũng có thể làm được. Cơm rượu nếp cẩm có giá trị dinh dưỡng cao, công dụng trị bệnh lại rất đa dạng, vậy thì còn ngần ngại gì mà không bắt tay vào thực hiện ngay món ăn tuyệt vời này nhỉ! Chỉ với một chút cẩn thận và khéo léo trong quá trình làm cơm rượu, bạn đã có ngay món ăn đầy thơm ngon và bổ dưỡng. Chúc các bạn thành công và hi vọng rằng, bạn và gia đình sẽ có những phút giây hạnh phúc khi cùng nhau thưởng thức món cơm rượu nếp cẩm do chính tay bạn làm nhé!

Khánh Nhi tổng hợp