Cách nấu rượu nếp cái hoa vàng ở mỗi vùng hay mỗi gia đình sẽ có những bí quyết riêng, nhưng nhìn chung đều trải qua những công đoạn tuần tự như nhau, để tạo nên hương vị truyền thống của người Việt. Làm được một bình rượu nếp cái hoa vàng thơm ngon, đúng chuẩn, các bạn phải tuân thủ những nguyên tắc nghiêm ngặt ngay từ khâu lựa chọn nguyên liệu cho đến khi ủ rượu. Bài viết này sẽ hướng dẫn bạn một cách cụ thể và chi tiết cách nấu rượu nếp cái hoa vàng nổi tiếng cả nước.
Những điều cần lưu ý trong cách nấu rượu nếp cái hoa vàng
Chọn gạo đúng chuẩn
Để tạo nên rượu nếp cái hoa vàng, hẳn nhiên bạn phải sử dụng nguyên liệu từ gạo nếp cái hoa vàng. Vấn đề là chọn lựa gạo nếp sao cho đúng cách. Gạo nếp để nấu rượu phải là gạo phải còn nguyên lớp vỏ lụa và vỏ cám bên ngoài. Điều này không những giúp lưu giữ hương vị, mùi thơm của rượu thành phẩm mà còn đảm bảo các yếu tố dinh dưỡng có trong hạt gạo nếp: protein, lipid, vitamin (đặc biệt là vitamin B1), muối khoáng,..
Không chỉ vậy, để làm được rượu ngon, bạn cũng cần lưu ý nên chọn loại nếp cái hoa vàng thơm dịu, sau thu hoạch khoảng 3 – 4 tháng (tức là không chọn loại gạo nếp quá mới hoặc quá cũ). Thông thường, gạo quá mới sẽ không cho ra rượu thơm đậm, dậy mùi, còn gạo quá cũ thường không được bảo quản tốt, khi nấu rượu có mùi vị kém ngon, không thơm nồng.
Men rượu chất lượng
Men sử dụng làm rượu nếp cái hoa vàng được làm từ nhiều loại thảo dược có đặc tính cay, nóng. Ở mỗi địa phương, người ta lại có lại có một bí quyết riêng trong chế biến và sử dụng men rượu, để tạo ra rượu nếp cái hoa vàng mang tính đặc trưng vùng miền. Tuy nhiên, phổ biến nhất hiện nay vẫn là loại men thuốc bắc vì độ an toàn và chất lượng rượu mà nó mang lại. Tỉ lệ rượu trung bình khi sử dụng men thuốc bắc để nấu rượu là 1 – 1,8 lít rượu/10 kg gạo nếp.
Kinh nghiệm ủ rượu phù hợp điều kiện thời tiết
Bên cạnh yếu tố nguyên liệu, chất lượng rượu thành phẩm còn phụ thuộc không nhỏ vào điều kiện thời tiết. Vì thế, người nấu rượu phải có kinh nghiệm nhất định đánh giá thời tiết từ đó thực hiện các thao tác hoặc có những điều chỉnh thích hợp trong khâu ủ, nấu rượu để tạo nên những mẻ rượu mang mùi vị thơm nồng đặc trưng.
Cách nấu rượu nếp cái hoa vàng tại nhà phổ biến nhất hiện nay
Chuẩn bị nguyên liệu
Tùy vào mục đích và nhu cầu sử dụng, bạn có thể gia giảm khối lượng các nguyên liệu (gạo nếp cái hoa vàng và men ủ rượu) sao cho phù hợp. Tuy nhiên, bạn cần đáp ứng đúng tỉ lệ sau: 1 gram men/10 kg gạo.
Sau khi đã cân đủ khối lượng tương ứng của gạo nếp và men, bạn tiến hành giã nát men (có thể cho vào máy xay sinh tế để xay nhuyễn), chuẩn bị cho công đoạn tiếp theo.
Các bước thực hiện
Gồm 4 bước như sau:
• Bước 1: Nấu cơm nếp
– Đầu tiên, đem gạo nếp cái hoa vàng ngâm nước lã khoảng từ 4 – 6 giờ.
– Sau đó, bạn nấu cơm nếp như nấu cơm bình thường (lưu ý là nấu ít nước hơn, kiểu đồ xôi).
– Khi cơm nếp đã chín, bạn bới cơm ra mâm lớn, trải đều ra mặt mâm để cơm nguội bớt.
• Bước 2: Rắc men
– Chờ cơm nếp bớt nóng, bạn tiến hành rắc men đều lên trên (nhớ là phải rắc men ngay khi cơm nếp còn ấm, tránh trường hợp cơm nguội hẳn hoặc còn quá nóng).
– Trộn đều để men phủ khắp hạt cơm nếp (mẹo nhỏ trong cách rắc men là nên chia lượng men làm 2 phần: phần thứ nhất rắc trước lên mặt cơm nếp, sau đó lật mặt cơm còn lại lên, rắc tiếp phần men còn lại).
• Bước 3: Ủ cơm nếp
– Cho số cơm nếp đã được rắc men vào một bình gốm hoặc bình thủy tinh sạch có dung tích lớn (nên chọn loại bình mà khi đựng cơm nếp vào, mực cơm nếp chỉ tầm khoảng 2/3 bình), đậy kín nắp bình.
– Trung bình sau 4 – 5 ngày, bình cơm rượu nếp cái hoa vàng sẽ tự động dậy nước, thơm mùi rượu.
– Nhiệt độ phù hợp để lên men cơm rượu thành công là vào khoảng 20 – 25 độ C. Nếu thời tiết lạnh giá, bạn nên để bình cơm rượu gần bếp để ủ nóng.
• Bước 4: Chưng cất rượu
– Sau khi đã có sẵn cơm rượu nếp cái hoa vàng, bạn cho tất cả số cơm rượu này vào một cái nồi lớn bằng đồng hoặc đất nung (nếu sử dụng nồi làm bằng vật liệu khác để nấu, rượu thành phẩm sẽ không ngon, mùi vị khó uống) để tiến hành chưng cất rượu.
– Khi nấu trên bếp, bạn lưu ý là phải canh lửa vừa phải (nếu lửa quá lớn, rượu dễ có mùi khét). Nếu rượu sôi thì bạn cần giảm lửa ngay, cho rượu chảy ra từ từ.
– Rượu sau khi được chưng cất thành công phải có mùi thơm nồng, uống vào thấy êm và hơi tê đầu lưỡi. Theo kinh nghiệm dân gian, bạn không nên uống rượu ngay khi mới ra lò mà nên đổ rượu vào vào một chiếc bình sành để khoảng 1 – 2 tháng rồi mới uống vì như thế rượu sẽ có mùi vị nồng đượm, thơm ngon hơn.
Cách nấu rượu nếp cái hoa vàng không phải là quá khó đúng không nào? Phương pháp này đã được lưu truyền từ lâu đời và cho đến nay, mọi người vẫn truyền tai nhau cùng thực hiện, nhằm lưu giữ bí quyết chế biến rượu mang hương vị đặc trưng làng quê. Với những thông tin mà bài viết vừa cung cấp, hy vọng mọi người có thể tự tay nấu một mẻ rượu nếp thơm nồng, đúng chuẩn.
Tiên Phạm tổng hợp